VĂN HÓA BỮA CƠM NHÀ CỦA NGƯỜI VIỆT

Bữa cơm gia đình rất quan trọng đối với người Việt. Không chỉ đơn thuần ăn để no, để cung cấp năng lượng nhằm duy trì sự sống.

Bữa cơm gia đình rất quan trọng đối với người Việt. Không chỉ đơn thuần ăn để no, để cung cấp năng lượng nhằm duy trì sự sống. Mà bữa ăn của người Việt là một quá trình hoạt động mang đậm nét văn hoá Á Đông: phản ánh tư duy tổng hợp, trọng tình cảm và đề cao nguyên lý âm-dương hoà hợp. Khác với bữa ăn của người phương Tây, mâm cơm của người Việt không chỉ có chất đạm (cá, thịt, trứng…) và tinh bột (lúa, ngô, khoai, sắn…) mà còn phải có bát canh, đĩa rau (có thể rau luộc, rau xào hoặc rau sống), có gia vị như nước mắm hoặc nước tương để chấm thức ăn; tuỳ theo theo vùng miền, bữa cơm còn có thêm đĩa cà muối, bát mắm nguyên chất đặc trưng (mắm cái, mắm tôm…). Theo quan niệm dân gian “bệnh từ miệng mà vào”, do đó, việc ăn uống đối với người Việt, phải đúng cách để vừa đảm bảo năng lượng vừa có tác dụng phòng, tránh và chữa được bệnh tật, vì theo y học cổ truyền, căn nguyên chủ yếu của bệnh tật là do trong cơ thể âm-dương mất cân bằng, không hoà hợp. Xuất phát từ đặc trưng văn hoá nông nghiệp, do đó nguyên liệu dùng để chế biến món ăn của cư dân Việt rất phong phú. Không phân biệt vùng miền, bất cứ ở đâu, trên dãy đất hình chữ S này, hầu như trong các bữa cơm truyền thống đều không thể thiếu món rau sống. Rau sống không phải là tên của một loại rau, mà tên gọi đầy đủ phải là “rau để ăn sống” (để phân biệt với rau đã nấu chín). Có thể rất nhiều người không để ý đến đặc trưng văn hoá Việt trong món rau sống. Nó thể hiện sự dung hoà rất nhiều loại rau khác nhau trong món ăn này. Từ rau mọc dưới nước đến rau mọc trên cạn, từ cây thân mềm, thảo mộc cho đến cây tiểu mộc, từ cây có mùi đến cây có vị, từ cây mầm cho đến cây trưởng thành, từ rễ, thân, lá cho đến hoa, quả… Có lẽ trên thế giới không nhiều nước có một món ăn đặc biệt như món rau sống của Việt Nam. Nó đặc biệt không chỉ ở thành phần, cách chế biến mà còn ở cách ăn. Ăn rau sống đúng nghĩa là phải ăn chung, trong một mâm cơm món rau sống thường bày ở giữa, mọi người dùng đũa gắp và chấm với nước mắm, nước tương và ăn cùng với các món khác. Cách chuẩn bị và chế biến món ăn của người Việt không kém phần tinh tế và đậm chất văn hoá truyền thống. Không những đa dạng về nguyên liệu, cách chế biết thức ăn của người Việt cũng rất “tổng hợp”. Khi chế biến thức ăn, ngoài nguyên liệu chính và muối, người Việt sử dụng rất nhiều phụ gia đi kèm như dầu, mỡ, hành, tỏi, bột nghệ, bột ớt, các hương liệu và rau thơm. Khi chế biến thức ăn người Việt luôn chú ý đến yếu tố dung hoà, để một món mà đa số các thành viên đều có thể ăn được. Người nội trợ luôn ưu tiên chú ý đến sự hài lòng người già, trẻ em, người đau ốm và khách mời trong khi chế biến thức ăn. Bữa cơm chỉ thật sự ngon và ấm áp khi tất cả các món ăn được chế biến phù hợp với nhu cầu của các thành viên. Ấy là cái tình ẩn chứa đằng sau mâm cơm vậy! Cách ăn của người Việt cũng rất đặc biệt. Theo cách ăn truyền thống, trong một bữa ăn, người ăn chỉ duy nhất có 02 dụng cụ riêng biệt đó là bát (chén) ăn cơm và đôi đũa (hoặc thìa, muỗng cho trẻ con và những trường hợp đặc biệt), còn lại tất cả đều dùng chung. Đây lài một đặc điểm văn hoá trong ẩm thực Việt Nam. Nếu người phương Tây, dù ngồi chung mâm nhưng khẩu phần ăn thường được chia cho từng người, còn với chúng ta hầu hết đều ăn chung từ cơm đến canh, thịt, cá, rau, mắm… Khi ăn người Việt còn gắp thức ăn cho nhau, đó là hành vi văn hoá, thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên. Trong lúc ăn, người Việt thường chuyện trò rôm rả tuỳ theo tính chất, chủ đề của bữa cơm. Thật vậy, đối với người Việt, bữa cơm chung còn là một hoạt động giao tiếp. Ông cha ta quan niệm, hạnh phúc gia đình là lúc “cơm dẻo, canh ngọt”, Ai cũng có thể hình dung ra cảnh một gia đình rất Việt Nam, bữa cơm tuy nghèo nhưng hạnh phúc có thừa. Ở mâm cơm giản dị này có sự tận tuỵ của người vợ hiền chăm sóc chồng con, ánh lên trong mắt người chồng niềm hạnh phúc vô biên. Không phải sơn hào, hải vị, mâm cao cỗ đầy mà hạnh phúc chỉ mỉm cười khi chúng ta biết yêu thương, chia xẻ. Trong cuộc sống gia đình mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng tựu chung lại luôn hãy vun đắp hạnh phúc gia đình bằng những việc có thể rất giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa, để cuộc sống quanh ta ngày càng tốt đẹp hơn. Và, bữa cơm gia đình sẽ mãi đầm ấm, ngập tràn yêu thương. Có một danh nhân đã nói rằng: “ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để quay về”

091 5781139
Đơn hàng của bạn

Tạm tính: Liên hệ

Xác nhận